Quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một chính thể lãnh đạo thực tế miền Bắc Việt Nam từ 1954, nhưng tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với toàn thể lãnh thổ Việt Nam. Điều này được ghi nhận trong Lời nói đầu và Điều 1 Hiến pháp năm 1959. Đồng thời, Hiệp định Gevene (1954) và Hiệp định Paris (1973) đều quy định giới tuyến quân sự tạm thời tại vỹ tuyến 17 không được coi là biên giới quốc gia, do đó chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không bị giới hạn ở vỹ tuyến 17. Bên cạnh đó, việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 trên phạm vi cả nước đã cho thấy tính chính danh của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không bị giới hạn ở miền bắc.[38]

Trong suốt những năm 1954-1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không hề thừa nhận Việt Nam Cộng hòa là một chính thể hợp pháp ở miền Nam Việt Nam mà luôn coi là thực thể kế thừa các nghĩa vụ của Liên hiệp Pháp tại Việt Nam sau năm 1954, trong đó có nghĩa vụ tổ chức Tổng tuyển cử để thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc tại Việt Nam. Sau khi Hội nghị Paris được tổ chức, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục không công nhận Việt Nam Cộng hòa mà coi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là người đại diện hợp pháp của nhân dân miền Nam.[30][39] Trong những năm 1954-1959, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liên tục đề nghị Việt Nam Cộng hòa thực hiện trách nhiệm tổ chức Tổng tuyển cử đồng thời đưa ra các bằng chứng về việc Việt Nam Cộng hòa không tuân thủ Hiệp định Genève, đàn áp những người yêu nước và đấu tranh hòa bình ở miền Nam để thống nhất đất nước. Do lập trường như vậy nên đến năm 1959, sau khi thấy khả năng không thể thống nhất trong hòa bình, lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam ngầm ủng hộ cho khởi nghĩa ở Miền Nam thì mới công bố Hiến pháp mới tiếp tục khẳng định Việt Nam là một nước không thể chia cắt và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính thể có địa vị hợp pháp, chủ quyền hợp pháp toàn Việt Nam bằng cách viện dẫn Cách mạng Tháng Tám, bầu cử Quốc hội năm 1946 và Hiến pháp 1946 mà Hiến pháp 1959 là kế thừa.

Nghị quyết Quốc hội khóa I kỳ 11 ngày 31-12-1959 (khi đó vẫn có các đại biểu Miền Nam được bầu năm 1946 đủ tư cách) - khi đó vẫn xem là Quốc hội Việt Nam thống nhất - khẳng định "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiêu biểu cho tính chất thống nhất của nước ta và tiêu biểu cho ý chí tranh đấu của nhân dân cả hai miền Nam - Bắc". Những ghi nhận này khẳng định Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính thể duy nhất có quyền lực pháp lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam và công khai không thừa nhận Việt Nam Cộng hòa là một nhà nước hợp pháp, miền Nam chưa được giải phóng.

Hiến pháp năm 1959 cũng ghi nhận Đảng Lao động là lãnh đạo cách mạng trong Lời nói đầu, nhưng không quy định là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội trong điều khoản nào như Hiến pháp 1980 và 1992 sau này nhằm để ngỏ khả năng hiệp thương với chính quyền Miền Nam và động viên nhưng người không có lập trường cộng sản nhưng chống Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đứng về phía cách mạng. Đến 1960 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn công khai đưa ra đề nghị thương lượng lần cuối (khẩu hiệu đấu tranh hòa bình thống nhất vẫn được khẳng định tại Hiến pháp, và cả văn kiện công khai của đại hội III Đảng Lao động).

Phía Việt Nam Cộng hòa trước đó ban hành Hiến pháp riêng 1956 và bầu cử riêng tại miền Nam, cũng thừa nhận địa vị hợp pháp của chính quyền này dựa trên Quốc gia Việt Nam trước đây và tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trên cơ sở kế thừa Quốc gia Việt Nam. Điều này được phía bên kia xem là một cử chỉ thể hiện sự "hiếu chiến" chuẩn bị cho "Bắc tiến".

Sau Đồng khởi, thì một vùng do Đảng Lao động và cách mạng kiểm soát ở Miền Nam hình thành, đồng thời miền Bắc bắt đầu viện trợ cho phong trào kháng chiến tại miền Nam một lượng lớn vũ khí, quân trang, quân dụng và cử nhiều cán bộ, binh sĩ vào Nam chiến đấu. Trong khi Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã đưa ra những chứng cớ mà họ cho là Miền Bắc vi phạm Hiệp định, do đó chủ trương của Đảng Lao động là thành lập một Mặt trận lấy danh nghĩa giải phóng Miền Nam để kiểm soát các vùng đất này, và tách đảng bộ miền Nam lập Đảng Nhân dân Cách mạng. Mặt trận lấy danh nghĩa là Việt Nam đã độc lập năm 1945 và kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhưng miền Nam chưa có độc lập để đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam - tính độc lập về pháp lý với Miền Bắc không rõ ràng bằng khi lập chính thể Cộng hòa Miền Nam như sau này. Mặt trận thừa nhận miền Bắc đã được giải phóng, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính thể hợp pháp cả nước. Tuy nhiên tính chất độc lập về pháp lý được đưa ra khi văn kiện Mặt trận khẳng định Mặt trận sẽ hiệp thương với Miền Bắc để thống nhất. Tính độc lập này chỉ là tương đối và khớp với văn kiện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (khi khẳng định chủ quyền với toàn lãnh thổ). Chương trình hành động của Mặt trận (điểm IX):

Yêu cầu bức thiết của đồng bào trên toàn quốc là phải hoà bình thống nhất Tổ quốc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam chủ trương thống nhất nước nhà từng bước bằng phương pháp hoà bình, trên nguyên tắc hai miền cùng nhau thương lượng, cùng nhau bàn bạc mọi hình thức và biện pháp có lợi cho dân tộc, cho Tổ quốc Việt Nam. Trong khi nước nhà chưa thống nhất, chính phủ hai miền cùng nhau thương lượng cam kết không tuyên truyền chia rẽ dân tộc, không tuyên truyền chiến tranh, không dùng binh lực đối với nhau. Thực hiện trao đổi kinh tế văn hoá giữa hai miền. Cho nhân dân hai miền được tự do đi lại buôn bán, thăm viếng, tự do gửi thư từ cho nhau.

Sau khi Mặt trận ra đời thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công khai khẳng định Mặt trận đại diện nhân dân miền Nam, nhưng không sửa lại Hiến pháp. Điều này phù hợp với thực tế một đất nước có nhiều chính phủ (tương tự như nhà nước liên bang, nhà nước liên hiệp, theo đó mỗi vùng lãnh thổ trong một quốc gia có 1 chính phủ riêng). Hồ Chí Minh trong trả lời phỏng vấn của Daily Worker năm 1965 khẳng định Mặt trận có đường lối riêng của họ, phù hợp với hoàn cảnh mỗi miền, nhưng Việt Nam là một[40]. Sau này Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức xem Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một chính thể và nhà nước độc lập với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng chỉ giới hạn ở Miền Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không sửa lại Hiến pháp. Tuy vậy Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không đặt quan hệ bình thường như thiết lập đại sứ hay quan hệ ngoại giao với các nước khác mà đặt đại diện như mô hình nhà nước liên bang. Mục tiêu hiệp thương thống nhất hai nhà nước luôn thể hiện trong các tuyên bố hai phía và hai bên đặt đại diện tại Hà Nội và Tây Ninh thể hiện ý chí này.

Bên cạnh đó, Đảng Lao động bề ngoài vẫn thừa nhận Đảng Nhân dân Cách mạng có tính độc lập tuy nhiên sau này thừa nhận Trung ương Cục là đại diện Đảng Lao động tại miền Nam. Lập trường quốc tế nói chung đa số vẫn thừa nhận Việt Nam có hai chính quyền ở hai miền theo mô hình nhà nước liên bang chứ không nói là hai nước theo cách hiểu thông thường, và sau nhiều nước thừa nhận Cộng hòa miền Nam Việt Nam là chính quyền hợp pháp tại Miền Nam. Do lập trường của Mặt trận và Cộng hòa miền Nam Việt Nam là Miền Nam chưa có độc lập nên họ sử dụng cụm từ "giải phóng", và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dùng từ "kháng chiến" để chỉ cuộc kháng chiến hai miền nam - bắc vì một mục tiêu chung là độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ.

Lập trường Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phía Mặt trận thường giống nhau, trừ việc Mặt trận không hề đề cập đến các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam. Năm 1955 và năm 1960 Miền Bắc cho thành lập các khu tự trị, có ý nghĩa trong chính sách lôi kéo người dân tộc thiểu số miền Nam đứng về phía cách mạng (khi đó chính quyền Việt Nam Cộng hòa phủ nhận sự tự trị mà Pháp trao cho các dân tộc thiểu số). Phía Mặt trận và Chính phủ Cách mạng Lâm thời cũng cho thành lập các Ủy ban tự trị dân tộc thuộc địa phận vùng kiểm soát của mình, trong thời gian chiến tranh như miền Bắc có khu tự trị cho các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên sau 1975 thì do vấn đề Trung Quốc, Khmer Đỏ và các vấn đề an ninh... nên các khu tự trị, ủy ban tự trị ở miền Bắc lẫn miền Nam đều bị giải tán, quyền chỉ đạo được thống nhất ở trung ương.

Về phía Mặt trận, họ chỉ công khai các chức danh do hiệp thương bầu cử ra (của Mặt trận hay chính quyền các cấp), hay chức vụ của các tổ chức, Đảng (cả đảng Nhân dân cách mạng) trong Mặt trận, cũng như quân giải phóng (Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang,...), nhưng trước khi Hiệp định Paris ký kết không công khai các chức danh hay cán bộ thuộc về phía Đảng Lao động chỉ định (như ủy viên Trung ương hay Bộ Chính trị hay trong Trung ương Cục, và các cấp lãnh đạo đảng ở địa phương, cũng như nhiều chỉ huy quân đội,...) để thể hiện rõ lập trường Miền Bắc chỉ chi viện giúp đỡ miền Nam và phối hợp quân sự, kể cả cử cán bộ chỉ huy Quân giải phóng, lực lượng cách mạng, chứ không chi phối chính sách của phía Mặt trận do sự hiệp thương của các lực lượng tham gia quyết định, mặt khác thể hiện nguyên tắc bí mật trong thời chiến.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam http://119.15.167.94/qdndsite/vi-VN/61/43/tap-chi-... http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/TetOffe... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-r-3rd-p... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://baoninhthuan.com.vn/news/34610p1c24/bao-tay... http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/14969902-.... http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/22445702-g... http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/c-mac-anggh... http://www.dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu... http://www.daihocluathn.edu.vn/images/stories/Hoc%...